Thúc đẩy chuyển đổi khu công nghiệp xanh và phát triển bền vững

Ngày 19/12, tại Tp. Hồ Chí Minh, Cổng thông tin Khu Công nghiệp Việt Nam (VIZ) tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam năm 2024 đã tổ chức với chủ đề: “Kỷ nguyên vươn mình của khu công nghiệp Việt Nam”. Diễn đàn đã thu hút gần 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các khu công nghiệp, khu chế xuất và các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia.

Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn.

Theo các chuyên gia, mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế đã khẳng định vị trí ngày càng quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; là giải pháp để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Hiện cả nước có hơn 400 khu công nghiệp, với mục tiêu tăng lên 600 vào năm 2030.

Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế như chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển chưa đáp ứng yêu cầu; loại hình phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế chậm được đổi mới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hiệu quả sử dụng đất tại khu công nghiệp, khu kinh tế chưa cao.

Từ thực tế trên, việc chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường đang được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng khu công nghiệp về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là một xu hướng tất yếu. Ông Nguyễn Chí Toàn, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Bất Động sản Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong bối cảnh mới việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, các mục tiêu phát triển bền vững, cam kết của Việt Nam về Net Zero thì việc chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái là hướng phát triển tất yếu.

Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền Vững – Tổ chức IDH (Hà Lan) cho biết, các khu công nghiệp tại Việt Nam đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước, IDH nhận thấy trong quá trình làm việc với các khu công nghiệp ở Việt Nam còn thiếu diễn đàn để các khu công nghiệp có thể cùng với nhau chia sẻ thông tin, cũng như những vướng mắc, đề xuất các ý kiến, kiến nghị góp phần phát triển các khu công nghiệp Việt Nam theo hướng thông minh và bền vững. “Đây là diễn đàn đầu tiên và chúng tôi mong muốn diễn đàn này được duy trì hằng năm và được kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng chiến lược để giải quyết những thách thức lớn mà các khu công nghiệp đang đối mặt, đồng thời góp phần định hình một tương lai bền vững cho ngành công nghiệp Việt Nam”, ông Huỳnh Tiến Dũng chia sẻ.

Hiện nay, hoạt động xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp đang được triển khai mạnh mẽ, với sự tham gia của nhiều tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dưới góc độ này, ông Nguyễn Đồng Trung, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) cho biết: Hàng năm, có khoảng 250-350 đoàn lãnh đạo các địa phương Việt Nam đi công tác nước ngoài và theo thống kê thì 75-80% các đoàn công tác này có nội dung về xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài. Về phía các doanh nghiệp, các ban, công ty quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế cũng chủ động triển khai đa dạng nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều hoạt động xúc tiến còn thiếu hiệu quả.

Để khắc phục các hạn chế trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài đối với các khu công nghiệp, ông Nguyễn Đồng Trung khuyến nghị, doanh nghiệp cần phải xác định đối tượng, xây dựng kế hoạch xúc tiến, kết nối cụ thể với những lộ trình, phương án cụ thể. Để thu hút các đối tác cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để khắc phục những điểm hạn chế trong mắt đối tác. Cùng với đó, cần hiểu cần nghiên cứu kĩ đối tác, trong đó chú ý đến cả các yếu tố về văn hóa, lịch sử, sở thích… Ví dụ như “3 có” đối với các địa phương Việt Nam của các nhà đầu tư Hàn Quốc khi xem xét đầu tư, đó là có sân bay, có biển và có sân golf.

Mặt khác, theo ông ông Nguyễn Đồng Trung, các doanh nghiệp cần đầu tư khu công nghiệp cần quan tâm đến công tác nghiên cứu, dự báo, nắm bắt những xu thế, chuyển động của đầu tư trên thế giới, đặc biệt là các lĩnh vực được xác định ưu tiên tạo đột phá cho sự phát triển bền vững như lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo…. Từ đó, phối hợp với các địa phương, bộ ngành để kiến nghị, xây dựng những chính sách thu hút đầu tư phù hợp.

Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy các khu công nghiệp Việt Nam vươn mình trong thời gian tới, sự hợp tác giữa các chủ đầu tư hạ tầng bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các tổ chức liên quan đang tạo nên một hệ sinh thái sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ khép kín và tương trợ lẫn nhau. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ về phát triển logistics xanh cho khu công nghiệp, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup cho biết: Với tầm nhìn phát triển dài hạn, Vingroup không ngừng mở rộng các lĩnh vực đầu tư và hướng tới việc kiến tạo những giá trị bền vững, trong đó có kế hoạch tham gia vào lĩnh vực khu công nghiệp. Theo đó, chúng tôi có định hướng xây dựng các khu công nghiệp hiện đại kiểu mẫu, theo đuổi mô hình phát triển bền vững nhằm góp phần phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể như việc sử dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường như xử lý nước thải và rác thải bằng công nghệ tiên tiến.

Là một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực xe điện tại Việt Nam với thương hiệu bán chạy số 1 trên thị trường năm 2024 là VinFast, ông Lê Khắc Hiệp cho biết: Vingroup mong muốn hợp tác cùng các khu công nghiệp để xây dựng hệ thống trạm sạc điện ngay tại các khu vực sản xuất. Các khu công nghiệp có thể triển khai các trạm sạc điện tại những vị trí hợp lý, vừa hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, vừa thúc đẩy xu hướng sử dụng năng lượng sạch.

Theo ông Lê Khắc Hiệp, với việc chuyển đổi xanh, các khu công nghiệp xanh với đầy đủ tiện ích đáp ứng cuộc sống cho người lao động ở tiêu chuẩn tốt chắc chắn sẽ trở thành những điểm quan tâm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư tại Việt Nam. Không chỉ vậy, các sản phẩm từ các khu công nghiệp xanh còn có lợi thế lớn trong việc xuất khẩu hàng hóa, thậm chí trở thành điều kiện tiên quyết để được nhập khẩu vào một số thị trường quốc tế trong xu thế hiện nay.

Liên quan đến chính sách thúc đẩy phát triển bền vững các khu công nghiệp trong kỷ nguyên mới, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong Luật Đất đai 2024, đối với khu công nghiệp, Nhà nước hạn chế thu hồi đất cho các nhà đầu tư mà doanh nghiệp tự thỏa thuận. Trong trường hợp doanh nghiệp không thu hồi được thì Nhà nước mới đứng ra thu hồi. Bên cạnh đó, khu công nghiệp là loại hình kinh doanh tiếp cận linh hoạt nhất có quyền lựa chọn trả tiền thuê đất hàng năm hoặc 1 lần; có thể tách ra từng khu vực thuê đất trả tiền một lần, khu vực trả hàng năm. Sự phát triển của khu công nghiệp mới rất cần một hệ sinh thái cho sự phát triển đồng bộ của kinh tế – xã hội. Theo Luật Đất đai 2024 yêu cầu khu công nghiệp cần chỗ ở cho người lao động, đảm bảo an ninh, cũng như trong khu công nghiệp phải dành đất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không chỉ là những doanh nghiệp lớn.

Trong khi đó, theo ông Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), hiện nay, quỹ đất có vị trí thuận lợi tại các khu vực công nghiệp trọng điểm ngày càng khan hiếm, trong khi cơ sở hạ tầng chưa được phát triển đồng bộ, thủ tục pháp lý trong các khu công nghiệp còn nhiều vướng mắc. Trong bối cảnh đó, các khu công nghiệp cần phát triển theo hướng một hệ sinh thái toàn diện. Khu công nghiệp phải trở thành những trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các chính sách về vốn, công nghệ.

Bài viết liên quan